Việt Nam có một số loài thực vật vô cùng quý hiếm. Bên cạnh
nhóm cây dược liệu, nước ta còn có một nhóm cây tinh dầu mà tinh dầu của chúng
có thể làm được dược phẩm, hương liệu và thực phẩm. Trong số đó, Trầm Hương là
phần gỗ thơm ở cây dó mọc trên dãy Trường Sơn từ Quảng Bình trở vào. Đây là
hương liệu và dược liệu quý hiếm.
1. Trầm Hương là gì?
Trầm Hương là phần gỗ của cây Dó nhiễm dầu.
Một số loài Dó, trong quá trình sinh trưởng, do những tác động
nào đó, gây ra những “tổn thương/nhiễm bệnh”, lâu ngày cây tích tụ một chất dạng
nhựa (dầu), rồi lan dần ra, làm biến đổi các phân tử gỗ, tạo nên nhiều màu sắc
(đen, nâu, chàm, xám, … ), nhiều tính chất (cứng, mềm, dẻo, dòn …), nhiều mùi vị
(đắng, cay, chua, ngọt, … ), nhiều hình dáng (tròn, xoắn, nhọn, dài, … ), ở nhiều
vị trí (thân, cành, rễ) trong cây dó. Đó chính là Trầm Hương.
Đặc điểm nổi bật của Trầm Hương là tỏa mùi thơm đặc biệt lúc
đốt hoặc chưa đốt. Khi hàm lượng dầu lớn hơn 25%, Trầm Hương có thể chìm trong
nước. Lọai Trầm Hương cao cấp có thể đạt hàm lượng dầu 60-80%. Căn cứ mức độ
nhiễm dầu, màu sắc, hương vị, hình dáng, trọng lượng, xuất xứ … mà Trầm Hương
có các tên gọi khác nhau như: Trầm mắt tử, trầm mắt đảo, trầm bọ sánh, trầm
bông, trầm da báo, trầm điệp lá, trầm điệp trai, trầm kiến xanh, trầm kiến lọn,
trầm rục, trầm sanh … Theo phẩm cấp, Trầm Hương được xếp thành 3 hạng và mỗi hạng
chia thành nhiều lọai, như sau:
2. Phân loại Trầm Hương
* Hạng nhất là Kỳ Nam hay còn gọi là Kỳ
Là loại trầm hương có phẩm cấp cao nhất, cho nhiều dầu, nhẹ,
mềm, dẻo, nhuyễn, khi nếm có đủ vị chua, cay, đắng, ngọt; tỏa mùi thơm tự
nhiên, khi đốt hương thơm đặc biệt, khói xanh, bay thẳng và dài lên không
trung. Kỳ nam được chia thành 4 loại:
- Bạch kỳ: Sắc trắng ngà, xám nhạt, vô cùng qúy hiếm, ít khi có, đắt giá nhất.
- Thanh kỳ: Sắc xanh xám, ánh lục, rất qúy hiếm, đắt giá sau bạch kỳ.
- Huỳnh kỳ: Sắc vàng sẩm, vàng nâu, qúy hiếm và đắt giá sau thanh kỳ.
- Hắc kỳ: Sắc đen chàm, hắc ín, qúy và đắt giá sau huỳnh kỳ.
* Hạng hai là Trầm
Là loại Trầm Hương ít dầu, nặng, vị đắng, hầu hết khi đốt mới
tỏa mùi thơm, khói màu trắng, bay quanh rồi tan ngay. Theo phẩm cấp, Trầm được
xếp thành 6 loại :
- Loại 1, sắc sáp trắng, giá trị cao nhất trong 6 loại trầm;
- Loại 2, sắc xanh đầu vịt , giá trị sau lọai 1;
- Loại 3, sắc sáp xanh , gía trị sau lọai 2;
- Loại 4, sắc sáp vàng, giá trị sau lọai 3;
- Loại 5, sắc vằn lông hổ, giá trị sau lọai 4 ;
- Loại 6, sắc vàng đốm dầu, giá trị thấp nhất trong 6 loại trầm.
Sách xưa chia trầm hương thành 5 loại: Hoàng lạp trầm, Hoàng
trầm, Giác trầm, Tiến hương, Kê cốt hương, trong đó Hoàng lạp trầm là tốt nhất.
* Hạng ba là Tốc
Phần lớn Tốc có mức nhiễm dầu ít hơn trầm, chủ yếu là từ bên
ngoài và dài theo thớ gỗ. Có khoảng vài chục loại Tốc, với các tên gọi như: Tốc
kiến, tốc đá, tốc cá ngừ, tốc hương, tốc lọn, tốc dây, tốc đỉa… Tuy nhiên, có
thể xếp các dạng tốc thành 4 nhóm như sau:
- Tốc đỉa, là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu nhiều trong các thớ gỗ, dạng nhỏ, cở ngón tay, đầu đũa con hoặc như con đỉa.
- Tốc dây, là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu xen, tạo nhiều vòng giữa các thớ gỗ, thường có dạng tròn, dài, dáng rễ cây.
- Tốc hương, là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu dạng mảnh, mùi thơm nổi trội hơn các loại tốc khác.
- Tốc pi, là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu mỏng, bao quanh bên ngòai các thớ gỗ theo dạng hình tháp, hình ống lớn.
Trong 4 nhóm tốc thì tốc đỉa được đánh giá cao hơn về chất
lượng. Tuy nhiên, việc xếp nhóm tốc không nhất thiết theo thứ bật phẩm cấp.
Hiện nay chưa có quy định chuẩn và thống nhất về tiêu chuẩn
phân lọai, đánh giá phẩm cấp Trầm Hương. Theo TS Lê Công Kiệt, tiêu chuẩn đánh
giá Trầm Hương thường dựa vào : Nguyên xứ, cường độ, loại hương, hình thù, kích
cở, màu sắc, trọng lượng, tỷ trọng, độ tinh khiết và loài cây dó tạo ra trầm
hương. Trong giao dịch mua bán, việc phân loại Trầm Hương phần lớn dựa vào cảm
nhận, kinh nghiệm, đồng thuận, thông qua hành vi trực tiếp của con người như
nhìn, sờ, gọt, bấm, đốt, nếm, ngửi…
TẠO TRẦM CHO CÂY DÓ
Vườn dó
Ông Nguyễn Sơn Định (thôn Xuân Sơn, Ân Hữu, Hoài Ân, Bình Định)
trồng cây dó trong vườn nhà cách đây 10 năm, nay đường kính gốc khoảng 15 cm,
cao chừng 7 m. Ông nhờ Công ty TNHH Bảy Núi tạo trầm. Sau 13 tháng, đến cuối
tháng 2/2008 đốn thử thì cây đã cho trầm. Trong vườn nhà ông Định có trồng 50
cây dó xen lẫn với nhiều trụ tiêu. Có lẽ nhờ đất gò đồi phì nhiêu nên cây tươi
tốt. Ông đã vay ngân hàng 10 triệu đồng nhờ Công ty Bảy Núi tạo trầm cho 50 cây
dó của mình. Ước tính mỗi cây cho 200 g trầm hương, có giá 200 USD.
Tạo trầm cho cây dó
Cây dó (Aquilaria crassna), sau khi trồng được 6 - 9
năm, vòng thân cách mặt đất 1,4 m đạt 32 cm trở lên thì tạo trầm được. Thao tác
tạo trầm rất đơn giản: khoan các lỗ tròn đường kính chừng 1,5 cm, chiều sâu chừng
2 - 3 cm trên thân cây từ gốc lên đến 2/3 cây theo mật độ nhất định. Sau khi
cho chất tạo trầm, nhét đoạn ống nhựa cùng cỡ vào. Sau từ 9 - 12 tháng, cấy lần
2 (kit 2), và sau khoảng 2 năm thì khai thác trầm. Bình quân mỗi cây thu được:
trầm lát loại cực tốt có nhiều dầu đen hoặc nâu 10 - 50 g/cây, trầm lát tốt vừa
200 - 250 g; ngoài ra còn có 1 kg trầm vụn, 14 - 20 kg gỗ vàng dùng nấu dầu hay
làm nhang trầm.
Cây dó Hoài Ân
Vùng rừng núi của huyện Hoài Ân, huyện An Lão (Bình Định) có
nhiều trầm tự nhiên nhưng sau năm 1975 thì bị khai thác triệt để để tìm trầm,
cây dó nơi này có nguy cơ tuyệt chủng. Cách đây chừng 15 năm người dân Hoài Ân
đem cây con hoặc hạt dó từ rừng về trồng trong vườn nhà.
Do có thông tin tạo được trầm, nhiều người dân Hoài Ân đã trồng
dó. Cả huyện hiện có khoảng 700.000 cây dó bầu, trồng từ khoảng năm 1990 đến
nay. Các xã trồng nhiều cây dó là Ân Hảo, Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Mỹ, Ân Tường
Tây...
Những năm 2001 - 2002, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định
nhân giống thành công cây dó bầu bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, tuy vậy mức
tiêu thụ còn hạn chế so với dùng hột giống.
Ở Hoài Ân nhiều người trồng dó với quy mô lớn. Ông Nguyễn Hữu
Toàn (Ân Mỹ) cho biết: vườn dó của ông trên 15.000 cây, trồng 11 năm nay. Cách
đây 4 năm, ông thử tạo trầm bằng phương pháp cơ học, tạo vết xước, đóng đinh...
rồi một số công ty về tạo trầm, nhưng không thành công. Ông Phan Văn Trọng (Ân
Thạnh), ông Hồ Văn Đẩy (Ân Tường Tây) mỗi người trồng gần 1.000 cây dó, đến nay
đủ tiêu chuẩn tạo trầm. Ông Huỳnh Thế Thiện (Ân Tín) cho biết: ông trồng dó từ
năm 1993. Năm 2003 vài công ty đến “gây men” (cấy men, tạo trầm) nhưng cây bị rục
(thối rữa) giữa cây, không kết quả.
Khi cây từ 5 - 7 tuổi người ta bắt đầu tạo trầm. Bằng phương
pháp cơ học - tức là tạo vết thương bằng cách đục lỗ, đóng đinh sắt...; có lúc
cũng có một số đơn vị kinh doanh về địa phương này tạo trầm bằng vi sinh, hóa học,
nhưng cuối cùng không tạo được trầm. Một nông dân nhớ lại: năm 2004 có công ty ở
TP.HCM mua với giá 500.000 đồng/cây 15 năm tuổi, sau đó lại thôi không mua nữa.
Người trồng dó không có đầu ra, rất hoang mang, có người chặt bỏ để lấy đất trồng
cây khác hiệu quả hơn.
Cây dó bầu trồng trên đất Hoài Ân trong vườn nhà vườn rừng lớn
rất nhanh. Sau 5 - 6 năm đường kính gốc đạt 10 - 12 cm, cao 3 - 4 m. Ông Hậu
cho biết, phải là đất sỏi, dạng hạt, thoát nước tốt. Giai đoạn đầu chăm bón cẩn
thận thì cây mới phát triển nhanh. Theo giá hiện nay, trồng 1 ha dó bầu, sau 6
- 7 năm bán được khoảng 500 triệu đồng (1 ha trồng 1.000 - 1.200 cây, giá
500.000 đ/cây). Ngoài giá trị tạo trầm, thân cây dó còn chưng cất được tinh dầu,
làm nhang, giá bán 1.000 đồng/kg thân cây, cành nhánh đã bóc vỏ.
Tình hình phát triển cây dó trong nước
Theo tài liệu hội thảo về cây dó trầm hương của Bộ nông nghiệp
và phát triển nông thôn tại Hà Tĩnh (9/2007), đến năm 2006 Việt Nam có 20 ngàn
ha cây dó bầu, trầm hương, phân bổ khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhiều nhất là ở
phía tây - trung trung bộ (từ Hà Tĩnh vào đến Khánh Hòa).
Từ năm 1996, dựa trên nguyên lý tạo stress cho cây bằng vi
sinh, hóa học, cơ học... với cơ chế tự bảo vệ, cây tiết ra nhựa trầm, ông Nguyễn
Huy Hoàng (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước, Quảng Nam) đã thu từ 20 cây dó tạo trầm, được
1 kg trầm loại 4 và 30 kg trầm loại 5 - 6, bán được 5,5 triệu đồng. Nay ở huyện
này trồng 1 triệu cây dó. Đa số không tạo được trầm. Cây 4 - 5 tuổi bán được
500.000 đến 1 triệu đồng/cây. Có người mua cây để tạo trầm, chiết xuất tinh dầu.
Năm 1999, tỉnh Khánh Hòa có đề tài nghiên cứu tạo trầm cây
dó, nhờ tác nhân vi sinh: dùng 3 chủng nấmAspergillus phoenicis (CDA)
Thom, Penicillium citrinum Thom và Penicillinum sp., cho
kết quả “cây có dấu hiệu trầm, đốt thơm”.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 10 cơ sở chưng cất tinh dầu trầm,
chủ yếu ở Hà Tĩnh, Quảng Nam... Tuy vậy hiệu suất chưng cất thấp chỉ đạt từ
0,02 - 0,05% tinh dầu (Thái Lan đạt cao, từ 0,16 - 0,6%).
Ngoài ra, dự án Rừng Mưa của Hà Lan đang thực hiện ở Việt
Nam sản xuất trầm hương theo hướng bền vững về kinh tế, môi trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét